Có gì mới?

Toàn tỉnh Nuôi "gà chín cựa" thoát nghèo ở Tân Sơn

V

vh79

ga-chin-cua-la-gi.jpg
Những năm qua, việc bảo tồn, phát triển giống gà chín cựa đã được huyện miền núi Tân Sơn (Phú Thọ) triển khai bằng nhiều dự án, nhờ đó giống gà quý đã được phục hồi thoát nguy cơ tuyệt chủng, rồi nhân đàn trở thành hướng phát triển kinh tế thoát nghèo khả quan cho địa phương.
Trang trại nuôi nhiều gà cựa phải kể tới của anh Hà Văn Tâm – xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Với đàn trên 500 con, có khoảng 300 con sẽ bán vào dịp Tết. Hầu hết gà nuôi tới đâu có khách đặt mua tới đó, nhiều con gà trống tuy chưa lớn nhưng lông mượt, chân có từ 6 đến 8 cựa đều được khách đặt cọc trước. Do giống gà nhiều cựa nguyên bản tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với gà ta, nên giá thành của nó cũng cao gấp 2 - 3 lần và dao động từ 250.000 - 350.000/kg…
Anh Tâm chia sẻ: Giống gà này khả năng leo núi cực kỳ tốt. Chính vì đặc tính tự bấu vào đất, rễ cây mà đi nên mới sinh ra chân có nhiều cựa. Không chỉ trèo leo giỏi mà thịt gà nhiều cựa đều chắc, ngọt, thơm, gà mái chỉ cân nặng từ 1,2 đến 1,6kg, gà trống to nhất cũng chỉ tới 2-2,2kg. Đặc điểm khác biệt của gà nhiều cựa không chỉ chân chồi lên cựa mà chúng còn bay rất giỏi. Cả Xuân Đài hộ nào cũng nuôi gà nhiều cựa nên có thể coi đây là vùng gà cựa của huyện Tân Sơn…
Anh Tâm nói: “Tỷ lệ gà có nhiều cựa ở mỗi đàn khoảng 30-40%, mặc dù số trứng đó đều do một mẹ đẻ ra, đáng chú ý cả gà trống và gà mái đều có cựa và chúng xuất hiện ngay khi gà mới nở. Trước đây, người dân địa phương thường nuôi thả tự nhiên nên gà lớn rất chậm, do khó bới tìm thức ăn vì chân có nhiều cựa...”.
“Ngoài ra, gà nhiều cựa cho thịt thơm ngon, giòn, gà trống trưởng thành có trọng lượng gần 2kg, gà mái khoảng 1,5kg. Hiện nay, du khách đến Vườn quốc gia Xuân Sơn khá đông, do có thông tin về giống gà nhiều cựa gắn với truyền thuyết “gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” thời vua Hùng nên phần lớn họ đều tìm đến các gia đình đồng bào Mường, Dao trong khu vực để xem và mua gà nhiều cựa về thịt ăn cũng như thoả chí tò mò”, anh Tâm bộc bạch.
Chia tay gia đình anh Tâm chúng tôi đến tham quan mô hình chăn nuôi gà nhiều cựa của gia đinh anh anh Nguyễn Văn Đức, ở xã Tân Phú, huyện Tân Sơn. Năm 2013, anh Đức bắt tay triển khai nuôi gà nhiều cựa. Ban đầu thực hiện anh gặp khó khăn trong việc tìm giống gà thuần chủng do loài gà này thường được nuôi rải rác tại các nhà dân. Anh phải đi gõ cửa từng nhà để tìm kiếm, sau khi có được giống gà thuần chủng, anh bắt tay vào gây giống.
Ban đầu gia đình anh Đức nuôi thử nghiệm 30 con với quy mô hộ gia đình để lấy kinh nghiệm, sau quá trình tìm hiểu và làm thực tế anh quyết tâm đặt mục tiêu phát triển đàn gà của mình đã chọn lọc được 200 con gà bố mẹ, hằng ngày cho ra 40 trứng, tổng số đàn gà có gần 1.000 con cả to nhỏ.
Hiện 4 khu chuồng trại của anh Đức có tổng diện tích hơn 5.000m2 trong đó có 400m2 chuồng trại được xây dựng kiên cố. Bên cạnh việc phát triển trang trại, Đức còn tích cực tư vấn cho các hộ khác về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi gà cựa để mọi người cùng thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Đến nay, toàn huyện Tân Sơn có tổng đàn gà nhiều cựa dao động 20.000 - 30.000 con và có 3.000 con gà thương phẩm… Trong đó, có khoảng 10 hộ nuôi tập trung từ 300 con trở lên, còn lại hàng trăm hộ nuôi xen với gà thả vườn, tại các xã như: Tân Phú, Xuân Đài, Kiệt Sơn, Minh Đài...
Trước đây người dân chủ yếu chăn nuôi gà nhiều cựa theo phương thức truyền thống, quảng canh, không mang lại giá trị kinh tế cao. Nhằm phát huy và nâng cao chất lượng gà nhiều cựa, Phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn đã phối kết hợp với đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào chăn nuôi phát triển theo hướng hiện đại, quy mô hàng hóa theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, các chuỗi liên kết sản xuất gà nhiều cựa gắn với chế biến cung cấp cho thị trường xuất khẩu đang được nhân rộng.
Đồng thời, để đẩy mạnh hỗ trợ các hộ chăn nuôi, địa phương đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về thông qua cơ chế hỗ trợ mô hình phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có quy định hỗ trợ mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà nhiều cựa.
Đưa chúng tôi đi thăm quan một số mô hình chăn nuôi gà nhiều cựa trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Xuân Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tân Sơn chia sẻ: Sau khi ban hành Nghị quyết, UBND huyện Tân Sơn đã chỉ đạo triển khai đến cơ sở, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình. Kết quả năm 2022, đã triển khai 1 dự án liên kết với quy mô 3.200 con/năm. Đặc biệt, Công ty TNHH Nắng Trung Du, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn liên kết với 10 hộ chăn nuôi gà nhiều cự tại các xã Tân Phú, Kiệt Sơn, Minh Đài, Xuân Đài. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã xuất bán được hơn 4.500 con với giá bán giao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg; những cặp gà đẹp có giá hàng triệu đồng/kg. Để có được kết quả trên là do Tân Sơn đã tập trung hỗ trợ củng cố mô hình liên kết, có nghị quyết riêng để có tầm nhìn chiên lực trong phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Thực hiện giai đoạn 2 địa phương sẽ hỗ trợ 30% chi phí giống và thức ăn ban đầu; tăng số hộ tham gia nuôi gà nhiều cựa tập trung; tăng cường tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ cho các hộ tham gia mô hình và các hộ chăn nuôi gà nhiều cựa trên địa bàn huyện, tập trung vào quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu và phổ biến quy trình tiêm phòng vắc xin đặc thù cho gà nhiều cựa. Phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Phú Thọ triển khai dự án cấp “nhãn hiệu chứng nhận” đối với sản phẩm gà nhiều cựa Tân Sơn. Trên cơ sở đó, UBND huyện Tân Sơn sẽ cấp phép sử dụng nhãn hiệu cho các chủ thể đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn và làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tiêu thụ gà nhiều cựa trong thời gian tới.
Đồng thời, huyện tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại cho gà nhiều cựa dưới nhiều hình thức; thí điểm sơ chế, hình thành sản phẩm mới: “Gà nhiều cựa ủ muối thảo dược”; tranh thủ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đề nghị hỗ trợ ngân sách tỉnh để nhân rộng mô hình trong cộng đồng gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên gà, giúp nhân giống nhanh và giảm giá thành.
Đồng chí Nguyễn Xuân Toản – Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ) chia sẻ: Từ xưa đến nay, việc phát triển gà nhiều cựa ở vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Sơn nói riêng, huyện Tân Sơn nói chung vẫn chủ yếu là tự phát do người dân chưa biết hết giá trị kinh tế và hiệu quả của giống gà “lạ” này . Tuy nhiên, từ việc triển khai dự án và những thành công bước đầu, có thể thấy đây là một tín hiệu đáng mừng vì thông qua dự án sẽ tiếp tục bảo tồn và nhân giống loài gà quý hiếm. Đồng thời mang đến những tín hiệu khả quan trong việc phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
“Đến nay, các hạng mục thuộc Vườn quốc gia Xuân Sơn nói riêng và toàn huyện Tân Sơn nói chung đã cơ bản hoàn thiện, gà nhiều cựa sẽ là một trong các sản phẩm du lịch đặc trưng, không thể thiếu đối với các du khách khi tìm đến Vườn quốc gia Xuân Sơn, đến với đất Tân Sơn. Con gà nhiều cựa đã và đang đem lại thu nhập cao cho người dân bản địa, góp phần tích cực cùng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Tân Sơn” – đồng chí Nguyễn Xuân Toản cho biết thêm.
 

Bên trên