Có gì mới?

Sinh viên ĐH Duy Tân giành giải Khuyến khích tại Euréka lần thứ 24

O

oanhoanh2211

Sinh viên ĐH Duy Tân giành giải Khuyến khích tại Euréka lần thứ 24
Tranh tài cùng 1.231 đề tài đến từ 119 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc, sinh viên Đại học Duy Tân đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học - Euréka lần thứ 24. Với đề tài “Ứng dụng mạng nơ ron nhân tạo xử lý biên trong hệ thống giám sát chất lượng nước”, các bạn trẻ Duy Tân đã phát huy năng lực tư duy sáng tạo, tìm kiếm giải pháp phát hiện ô nhiễm nguồn nước hỗ trợ cho người dân và các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý. Với khả năng ứng dụng thực tế cao, góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn, sinh viên Duy Tân đã mang về giải Khuyến khích chung cuộc.



Trao giải Khuyến khích cho các đề tài nghiên cứu tiềm năng



Thử thách tranh tài trong lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ



“Chinh chiến” tại Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 24, sinh viên Duy Tân với đề tài “Ứng dụng mạng nơ ron nhân tạo xử lý biên trong hệ thống giám sát chất lượng nước” đã xuất sắc vượt qua vòng Sơ tuyển và Bán kết rất khắt khe để tiến thẳng vào vòng Chung kết. Tại đây, bạn Phan Văn Truyền, Nguyễn Trung Kiên (chuyên ngành Điện - Điện tử chuẩn PNU) và bạn Trương Minh Xuân Tùng (chuyên ngành Cơ điện tử chuẩn PNU) đã có màn trình bày cực kỳ thuyết phục về kết quả nghiên cứu của đề tài trước Hội đồng Khoa học.



Được biết, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 24 được triển khai từ tháng 7 - 11/11/2022. Sinh viên các trường cao đẳng, đại học và học viện trên toàn quốc sẽ tham gia theo hình thức cá nhân hoặc nhóm ở 12 lĩnh vực, bao gồm: Xã hội và Nhân văn; Giáo dục; Kinh tế; Pháp lý; Kỹ thuật - Công nghệ; Quy hoạch, Kiến trúc và Xây dựng; Công nghệ Thông tin; Công nghệ Hóa, Dược; Công nghệ Sinh - Y sinh; Nông lâm ngư nghiệp; Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ Thực phẩm. Năm 2022, giải thưởng này đã thu hút 119 trường với 1.231 đề tài của 3.728 thí sinh tham gia. Trong đó, đã có 488 thí sinh là tác giả của 160 đề tài xuất sắc được chọn vào vòng Chung kết, đến từ 88 trường.





Sinh viên Duy Tân thuyết trình về dự án trước Hội đồng giám khảo



Dự thi ở lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ, các bạn trẻ Duy Tân đã lên ý tưởng xây dựng hệ thống giám sát chất lượng môi trường nước bằng việc nghiên cứu ứng dụng thuật toán mạng nơron nhân tạo (ANN) nhằm xử lý các dữ liệu thô từ các cảm biến chất lượng môi trường nước thành mức độ WQI. Với mức độ WQI, người giám sát có thể đánh giá nhanh chất lượng cũng như khả năng sử dụng của nguồn nước. Tuy nhiên, để có được mức độ WQI, nếu dựa trên phương pháp truyền thống thì phải sử dụng đầy đủ các cảm biến chất lượng môi trường nước, điều này khiến cho giá thành hệ thống tăng lên đáng kể.



Do đó, sinh viên Duy Tân đã áp dụng một vài cảm biến chất lượng nước cơ bản, vẫn thu được mức độ WQI với độ chính xác cao và đồng thời, giảm chi phí xây dựng hệ thống. Ngoài ra, hệ thống được xây dựng dựa trên nhiều node cảm biến, được phân bố ở các tầng mặt nước khác nhau giúp giám sát trên diện rộng không chỉ trên bề mặt của mặt nước mà còn trong lòng nước hoặc tầng mặt đáy. Cơ chế xử lý bằng thuật toán ANN cũng giảm thiểu được lượng dữ liệu truyền trong mạng, góp phần tiết kiệm năng lượng cho hệ thống. Cuối cùng, trong mô hình này, các bạn đã sử dụng pin năng lượng mặt trời để cấp nguồn, làm cho hệ thống thân thiện với môi trường.



Sản phẩm nghiên cứu đưa vào thử nghiệm



Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện dự án nghiên cứu, bạn Trương Minh Xuân Tùng - chuyên ngành Cơ điện tử chuẩn PNU, Đại học Duy Tân cho biết: “Hạn chế lớn nhất mà chúng em gặp phải trong quá trình nghiên cứu và triển khai hệ thống là vấn đề thời gian. Hệ thống của chúng em đòi hỏi phải thiết kế và xây dựng các mạch điện tử chuyên dụng với nhiều cảm biến phức tạp, giao tiếp sử dụng LoRa. Các linh kiện thiết bị đều phải đặt mua từ nước ngoài, và tốn nhiều thời gian để tiếp nhận. Sau đó, chúng em phải tiến hành đo kiểm rất nhiều để đảm bảo tính khách quan trong phương pháp thực nghiệm. Quá trình này kéo dài hơn 3 tháng với nhiều địa điểm khác nhau. Hơn nữa, song song với quá trình nghiên cứu, chúng em phải hoàn thành chương trình học tại trường. Tuy nhiên, nhờ có sự hỗ trợ của thầy Trương Văn Trương, cũng như sự động viên từ các thầy cô trong Khoa Điện-Điện tử và lãnh đạo Trường Công nghệ, chúng em đã hoàn thành được mô hình và tham gia cuộc thi.”



Phần thưởng tại vòng Chung kết Euréka lần thứ 24



Sau cả quá trình miệt mài sáng tạo và nghiên cứu, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 24 năm 2022 đã tìm được những dự án xuất sắc nhất. Trong số 134 đề tài được trao giải, có 8 giải Nhất, 15 giải Nhì, 14 giải Ba và 97 giải Khuyến khích. Đề tài “Ứng dụng mạng nơ ron nhân tạo xử lý biên trong hệ thống giám sát chất lượng nước” của các bạn sinh viên Duy Tân đã được Ban Tổ chức trao giải Khuyến khích vào sáng ngày 27/11/2022 tại Hội trường - Trường ĐH Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh.



Đánh giá về quy mô Giải thưởng Euréka lần thứ 24 và nhận xét về dự án nghiên cứu của sinh viên Duy Tân, thầy Trương Văn Trương - Giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Đại học Duy Tân chia sẻ: “Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Euréka lần thứ 24 thực sự đã trở thành một sân chơi học thuật đầy uy tín cho sinh viên khắp mọi miền đất nước. Hàng ngàn đề tài dự thi nên tính chất cạnh tranh rất cao. Các đội bạn có sự hỗ trợ lớn từ những giảng viên có học hàm, học vị cao, cá nhân các ứng viên trong đội hầu hết cũng là sinh viên năm cuối, hoặc đang theo đuổi chương trình học lên cao hơn, vì vậy mặt bằng kiến thức và kinh nghiệm đều rất tốt. Các đội thi tại miền Nam cũng có ưu thế về vị trí địa lý gần đơn vị tổ chức, nên các khâu chuẩn bị cho vòng Bán kết và Chung kết cũng chủ động hơn rất nhiều.



Đến với Euréka lần thứ 24, nhóm nghiên cứu của các bạn trẻ Duy Tân theo đuổi rất hay, có tính ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với tính chất một cuộc thi. Điểm nổi bật trong đề tài là ở chỗ nó đã giải quyết được khá nhiều vấn đề thực tế, tích hợp nhiều kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với định hướng phát triển của Tp. Đà Nẵng. Thứ nhất, đề tài đã xây dựng thành công mô hình giám sát chất lượng môi trường nước dựa trên mạng cảm biến không dây LoRaWAN phù hợp với định hướng phát triển thành phố thông minh tại Đà Nẵng. Thứ hai, cơ chế xử lý biên bằng thuật toán ANN giúp cải thiện đáng kể hiệu năng của hệ thống so với các thuật toán xử lý tín hiệu thông thường. Thứ ba, mô hình đề xuất có khả năng giám sát và thu thập các chỉ số môi trường không chỉ trên bề mặt mà còn ở các tầng nước sâu hơn. Đây là điểm sáng tạo khá thú vị của đề tài so với các nghiên cứu trước đó.”







Sinh viên Duy Tân cùng giảng viên hướng dẫn chụp hình lưu niệm



Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng danh giá này, bạn Phan Văn Truyền - sinh viên ngành Điện-Điện tử chuẩn PNU chia sẻ: “Chúng em cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhận được giải thương này. Tuy không phải là giải thưởng cao nhất nhưng đây là thành quả xứng đáng cho quá trình nghiên cứu của nhóm. Hơn nữa đây chính ta động lực để thúc đẩy chúng em phải cố gắng hơn nữa trong đề tài tiếp theo để có thể giành về cho mình phần thưởng cao hơn trong cuộc thi năm tới. Đặc biệt hơn nữa, em đã được Ban tổ chức lựa chọn từ hơn 800 thí sinh của cuộc thi để tham gia và phỏng vấn trực tiếp trong buổi bế mạc để trình bày về đề tài của mình. Đó thực sự là một vinh dự lớn lao, và em rất hạnh phúc với điều đó. Trong thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục làm việc với thầy hướng dẫn để phát triển đề tài. Với tinh thần là một sinh viên Khoa Điện-Điện tử, chúng em luôn sẵn sàng đón nhận thách thức để vươn đến thành công.”



(Truyền Thông)



Nguồn: https://duytan.edu.vn/news/NewsDetail.aspx?id=5445&pid=2068&page=0&lang=vi-VN
 

Bên trên